Rà soát kết quả quy hoạch để tối ưu quỹ đất, khả năng phát triển sân bay Phú Quốc
11/07/2023
Chính phủ Úc thông qua Chương trình hỗ trợ kỹ thuật ngành giao thông vận tải (Chương trình Aus4Transport) tài trợ vốn để rà soát, khuyến nghị về kết quả quy hoạch sân bay Phú Quốc. Trên cơ sở kết quả rà soát, quy hoạch sân bay này sẽ được phê duyệt…
Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn số 7805/BGTVT-KHĐT gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc triển khai đầu tư phát triển Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc.
TƯ VẤN QUỐC TẾ RÀ SOÁT, KHUYẾN NGHỊ KẾT QUẢ QUY HOẠCH
Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc là cửa ngõ thông thương của kinh tế quốc tế của đảo ngọc Phú Quốc và khu vực biên giới biển đảo phía Nam.
Để đạt được mục tiêu xây dựng Phú Quốc trở thành một trung tâm du lịch, dịch vụ có chất lượng cao, đồng thời là trung tâm giao thương với các vùng trong nước, khu vực và quốc tế theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Phú Quốc phải xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, trước hết là sân bay quốc tế.
Được xây dựng mới từ năm 2008, đến năm 2012, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc được đưa vào khai thác đồng bộ các công trình khu bay và khu hàng không dân dụng, đáp ứng nhu cầu khai thác 2,65 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên, thực tế khai thác năm 2019, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đón 3,7 triệu lượt khách thông qua cảng, điều này ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của cảng, vượt xa so với các chỉ tiêu công suất quy hoạch được duyệt.
Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1608/QĐ-TTg ngày 10/11/2008. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 7/6/2023.
Theo đó, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc được quy hoạch với công suất 10 triệu hành khách/năm giai đoạn đến năm 2030 và 18 triệu hành khách/năm tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ Giao thông vận tải cũng giao Cục Hàng không Việt Nam tổ chức lập quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm cụ thể hóa quy hoạch hệ thống cảng hàng không, làm cơ sở triển khai đầu tư phát triển Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc.
“Đến nay, Cục Hàng không Việt Nam, tư vấn đã hoàn thành báo cáo cuối kỳ của quy hoạch”, Bộ Giao thông vận tải cho biết.
Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc là một trong những cảng hàng không đầu mối đóng vai trò gom tụ hành khách, hàng hóa và ảnh hưởng tới phát triển kinh tế – xã hội của khu vực vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Do tính chất quan trọng của Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Bộ Giao thông vận tải và Đại sứ quán Úc thống nhất sử dụng nguồn vốn tài trợ của Chính phủ Úc thông qua Chương trình hỗ trợ kỹ thuật ngành giao thông vận tải (Chương trình Aus4Transport) để lựa chọn đơn vị tư vấn quốc tế thực hiện công tác hỗ trợ rà soát, đánh giá, khuyến nghị về kết quả quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc.
Việc lựa chọn đơn vị tư vấn quốc tế để hỗ trợ rà soát, đánh giá về kết quả quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc nhằm bảo đảm chất lượng quy hoạch, tối ưu hóa quỹ đất, hiệu quả khai thác và khả năng phát triển bền vững trong dài hạn của cảng.
“Trên cơ sở kết quả rà soát, quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc sẽ được hoàn thiện, thẩm định và phê duyệt theo quy định”, Bộ Giao thông vận tải cho biết.
ACV BỐ TRÍ ĐỦ VỐN XÂY NHÀ GA T2, MỞ RỘNG SÂN ĐỖ MÁY BAY
Về trách nhiệm đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Bộ Giao thông vận tải cho biết theo quy định tại Nghị định số 05/2021/NĐ-CP ngày 25/1/2021 của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay, doanh nghiệp cảng hàng không có trách nhiệm đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng các công trình thiết yếu của cảng hàng không, ngoại trừ trường hợp do Nhà nước trực tiếp đầu tư và các công trình bảo đảm hoạt động bay.
“Do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam là doanh nghiệp cảng hàng không tổ chức quản lý, khai thác Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc. Vì vậy, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam có trách nhiệm đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng các công trình thiết yếu của Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc theo quy hoạch”, Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.
“Về khả năng cân đối vốn để mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam thông báo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đã bố trí vốn đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T2 và mở rộng sân đỗ máy bay tại Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc”, Bộ Giao thông vận tải cho biết.
Sau khi quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam sẽ báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng theo quy định.
“Như vậy, sau khi Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam để nghiên cứu, sớm đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu tại Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc”, công văn của Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.
Trước đó, vào tháng 5/2023, UBND tỉnh Kiên Giang có công văn kiến nghị người đứng đầu Chính phủ xem xét chỉ đạo các bộ, ngành và đơn vị liên quan sớm triển khai đầu tư cải tạo, nâng cấp Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc, trong đó, ưu tiên đầu tư đường cất hạ cánh mới số 2 và xây dựng mới bổ sung nhà ga T2 trong giai đoạn 2021 – 2025.
Việc đầu tư, nâng cấp này nhằm đảm bảo hoạt động của cảng hiệu quả, an toàn và liên tục (do vị trí đặc biệt của cảng mang lại), đáp ứng năng lực phục vụ ngày càng tăng cao, góp phần phát triển kinh tế – xã hội và du lịch tỉnh Kiên Giang nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung; đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.
Nguồn: vneconomy.vn