Sự trở lại của du lịch Đà Nẵng đã như kỳ vọng?

Bắt đầu nội dung chính

Sự trở lại của du lịch Đà Nẵng đã như kỳ vọng?

VietTimes – Với tổng lượng khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng đạt 321.623 lượt, tăng 26,6% so với năm 2022, câu hỏi đang được đặt ra là: Liệu du lịch Đà Nẵng đã đạt được như kỳ vọng hay chưa?

Dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương và 30/4-1/5 được xem là “phép thử” của Đà Nẵng sau những chuẩn bị cho sự trở lại của ngành du lịch. Tuy nhiên, với tổng lượng khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng đạt 321.623 lượt khách, tăng 26,6% so với năm 2022, câu hỏi đang được đặt ra là: Liệu du lịch Đà Nẵng đã đạt được như kỳ vọng hay chưa?

Để có cái nhìn đầy đủ hơn, VietTimes đã có cuộc phỏng vấn ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng – về việc định hình sản phẩm du lịch cũng như chính sách cần thiết để thúc đẩy phát triển du lịch Đà Nẵng trong tương lai.

Đà Nẵng vẫn là điểm sáng du lịch sau đại dịch

– Năm 2023 được kỳ vọng là năm khôi phục mạnh mẽ của kinh tế TP Đà Nẵng nói chung và ngành du lịch nói riêng, nhưng tính đến nay, con số tăng trưởng vẫn không mấy ấn tượng, kể cả trong dịp lễ lớn, dài ngày vừa qua. Ông có thể cho biết nguyên nhân của tình trạng này?

Ông Cao Trí Dũng: Chúng ta vừa trải qua hơn 3 năm đại dịch COVID-19, hầu hết người dân và doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng nặng nề và du lịch là một trong những ngành chịu tác động lớn nhất. Vì thế, sức mua của du khách cả trong và ngoài nước giảm mạnh, không chỉ ở Đà Nẵng mà ở tất cả các điểm đến du lịch.

Bên cạnh đó, suy thoái kinh tế ở một số thị trường lớn, chiến tranh Nga-Ukraina, thị trường khách Trung Quốc chưa thể quay lại trong ngắn hạn… cũng làm chậm sự phục hồi nguồn khách.

Mặc dù vậy, Đà Nẵng vẫn là một trong những điểm sáng trong thu hút du khách quay lại sau dịch, được cộng đồng doanh nghiệp và du khách đánh giá cao.

– Theo thống kê của Sở Du lịch Đà Nẵng, dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương và 30/4-1/5 năm nay, Đà Nẵng ghi nhận tổng lượng khách tham quan, du lịch đến TP đạt 321.623 lượt khách, tăng 26,6% so với năm 2022. Theo ông, con số ấy đã đạt được kỳ vọng của ngành hay chưa?

Ông Cao Trí Dũng: Kỳ vọng thì lớn nhưng sự phục hồi như vậy đã đạt được sự mong mỏi của doanh nghiệp, khi Đà Nẵng ghi nhận lượng khách nội địa đạt xấp xỉ cao điểm năm 2019 và lượng khách quốc tế (trừ thị trường Trung Quốc), cũng đạt trên dưới 80%, cao hơn nhiều so với các điểm đến tương đồng cả trong và ngoài nước.

Trong dịp lễ vừa qua, Đà Nẵng đã kiểm soát tốt giá cả, đảm bảo số lượng và chất lượng dịch vụ cung ứng, tạo hình ảnh tốt trong mắt du khách. Cũng cần nói thêm về số liệu thống kê lượng khách. Hiện các địa phương sử dụng các phương pháp khác nhau nên ý nghĩa so sánh không cao, nên cần có sự thống nhất toàn quốc trong cách tính.

vt_du lịch bien 5.png
Lễ hội thả diều trên bãi biển du lịch Đà Nẵng

Hiếm địa phương có sự đa dạng về sản phẩm du lịch

– Có nhiều ý kiến cho rằng, du lịch Đà Nẵng đang thiếu những sản phẩm mang tính khác biệt nên vẫn chưa thể bứt phá trở lại. Ông nhìn nhận về ý kiến này như thế nào?

Ông Cao Trí Dũng: Đà Nẵng luôn là một trong những địa phương đi đầu về tạo sự khác biệt trong hệ thống sản phẩm du lịch. Hiếm có điểm đến nào lại có sự phối hợp sản phẩm đa dạng như vậy do Đà Nẵng có sự kết nối thuận lợi trong nhóm liên kết với Quảng Nam và Thừa Thiên Huế.

Hiện nay, hệ thống sản phẩm du lịch của Đà Nẵng nổi bật cả về nghỉ dưỡng biển cao cấp, văn hoá – lịch sử – di sản, sinh thái biển đảo, rừng núi sông hồ, sinh thái nông nghiệp, vừa có lợi thế về hệ sinh thái sản phẩm cho du lịch MICE, du lịch đô thị…

Bên cạnh đó là sự phối hợp, đồng hành hiệu quả giữa Sở Du lịch, các quận huyện, Trung tâm xúc tiến du lịch, Quỹ xúc tiến phát triển du lịch với Hiệp hội du lịch thành phố trong việc tạo sản phẩm mới, tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ về sản phẩm với các điểm đến cả trong và ngoài nước.

– Theo khảo sát do Sở Du lịch thực hiện, chi tiêu bình quân một ngày của khách du lịch quốc tế và nội địa đến Đà Nẵng còn khá khiêm tốn, thậm chí thấp hơn nhiều so với một số địa phương có đặc tính tương đồng. Theo ông, du lịch Đà Nẵng cần làm gì để kích thích chi tiêu của du khách trong thời gian tới?

Ông Cao Trí Dũng: Đà Nẵng đang tập trung tái cấu trúc nguồn khách theo hướng bền vững hơn, trong đó tăng chi tiêu của du khách là một trong những mục tiêu cơ bản.

Muốn vậy, ngoài đa dạng hoá nguồn khách, thay đổi cấu trúc đoàn khách, ưu tiên xúc tiến các thị trường có khả năng chi tiêu cao… thì cần nâng chất lượng dịch vụ điểm đến, tập trung đầu tư khai thác các nhóm dịch vụ có giá trị gia tăng cao, bổ sung các nhóm dịch vụ còn thiếu, đặc biệt là vui chơi, giải trí, ăn uống, mua sắm… Bên cạnh đó, cần có thêm nhiều hoạt động, nhiều sản phẩm gắn với văn hoá bản địa để kéo dài thời gian lưu trú của du khách.

vt_ba na hills.jpg
Khu du lịch Bà Nà, điểm sáng về sản phẩm du lịch Đà Nẵng

Cần khơi thông các nguồn lực

– Đà Nẵng đề ra mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm du lịch và dịch vụ chất lượng cao, điểm đến sáng tạo của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Như vậy, thời gian đến đó cũng không còn nhiều, theo ông để đạt được mục tiêu này, du lịch Đà Nẵng cần có những cú hích gì?

Ông Cao Trí Dũng: Cần nhanh chóng khơi thông các nguồn lực, triển khai nhanh các dự án hạ tầng dịch vụ trọng điểm như chủ trương của lãnh đạo thành phố, bên cạnh đó tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm điểm đến gắn với vùng đô thị Đà Nẵng, tập trung cho các sản phẩm chất lượng cao gắn với đô thị thông minh và đổi mới sáng tạo; song song với việc xác định các thị trường khách trọng điểm cả trong ngắn hạn và dài hạn để triển khai mạnh mẽ các hoạt động xúc tiến, quảng bá; xã hội hoá nguồn lực xúc tiến, quảng bá qua quỹ xúc tiến phát triển du lịch thành phố, tạo cơ chế nguồn thu bền vững cho quỹ.

– Với tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành điểm đến du lịch hàng đầu châu Á, là một trong những trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái cao cấp, sáng tạo, xanh, thông minh và tổ chức hội nghị, sự kiện lễ hội mang tầm quốc tế. Với tầm nhìn này, theo ông, Đà Nẵng đang đối mặt với những vấn đề gì?

Ông Cao Trí Dũng: Đến năm 2045, dự kiến sẽ có 15-20 triệu khách du lịch/năm đến với Đà Nẵng. Như vậy, ngoài các vấn đề liên quan đến hệ thống dịch vụ như số lượng, chất lượng, nguồn nhân lực, năng lực quản lý… thì còn hàng loạt vấn đề liên quan như sức chứa, môi trường, áp lực giao thông, không gian đô thị…

Bên cạnh đó, du lịch cần thống nhất quy hoạch phát triển ngành bám sát quy hoạch chung của TP, trong đó phân kỳ thời gian và mục tiêu của từng giai đoạn cụ thể để triển khai và đánh giá tiến độ thực hiện. Có như vậy mới huy động được sự chung tay của các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu chung.

– Xin cảm ơn ông!

Tin bài viêt liên quan

06/06/2022

Giải mã bức tranh thị trường bất động sản và khơi nguồn cảm hứng cho chu kỳ mới

10/11/2024 NDO – Diễn đàn bất động sản quốc gia năm 2024 với thông điệp “Vững tâm vào chu kỳ mới” diễn ra tại thành phố Đà Nẵng ngày 9/11. Sự kiện do Viện Nghiên cứu và Đào tạo bất động sản phối hợp Hội đồng Bất động sản Việt Nam (VREC) trực thuộc Viện Nghiên […]

06/06/2022

Chu kỳ bất động sản mới: Thị trường ổn định, tính thanh khoản cao

Theo các chuyên gia, trong chu kỳ mới, nguồn cung được cải thiện, giá bất động sản sẽ không còn tăng đột ngột, tính thanh khoản cao sẽ tạo nên một thị trường minh bạch, chất lượng. Chất lượng thị trường tốt hơn Theo TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động […]

06/06/2022

Bất động sản le lói những tia hy vọng mới

Thị trường bất động sản chứng kiến làn sóng hoạt động mới trong tháng qua, khi hàng loạt dự án lớn được khởi công hoặc tái khởi động sau một thời gian dài im ắng. Sun Group gần đây đã khởi công dự án khu đô thị Sun Urban City tại tỉnh Hà Nam, với […]