Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Trăm mối ngổn ngang!

Bắt đầu nội dung chính

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Trăm mối ngổn ngang!

KTSG) – Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp thứ 6 vào tháng 10-2023. “Giờ G” sắp đến nhưng dự thảo luật này vẫn còn nhiều điểm chưa rõ, chưa lựa chọn được phương án hoàn thiện, nhiều vấn đề chưa tìm được tiếng chung giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra…

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn còn “trăm mối ngổn ngang”. Ảnh: H.P

Sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân và của Quốc hội tại hai kỳ họp gần đây, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) – bản chỉnh lý trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 25-8-2023 gồm 15 chương và 264 điều; tức là đã bỏ sáu điều và bổ sung bảy điều so với dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5-2023. Nếu dự thảo đảm bảo chất lượng thì sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10 sắp tới.

Từ nay tới đó còn chưa đầy hai tháng, nhưng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn còn “trăm mối ngổn ngang”. Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 25-8, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đến thời điểm này dự thảo luật vẫn còn nhiều điểm chưa rõ, chưa lựa chọn được phương án hoàn thiện; nhiều nội dung còn có ý kiến khác nhau nhưng chưa đủ căn cứ, cơ sở để chỉnh sửa; nhiều nội dung cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo thống nhất được chính sách, hướng tiếp thu nhưng chưa thể hiện được vào các điều khoản luật và đang đề nghị làm rõ thêm.

Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị xin ý kiến Bộ Chính trị về nhiều nội dung, đồng thời đề nghị cho tiếp tục nghiên cứu, rà soát, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một lần nữa trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Trong khi đó, cho tới phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (cơ quan chủ trì soạn thảo) cũng vẫn chưa có báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình các ý kiến thẩm tra và ý kiến đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban Kinh tế (cơ quan chủ trì thẩm tra).

Trong thời gian còn lại, nếu các chính sách quan trọng không được giải quyết thấu đáo, phương án lùi thời điểm thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần được cân nhắc để đảm bảo dự thảo luật khi được ban hành sẽ thực sự mở đường cho sự phát triển.

“Tình hình chung là như vậy”, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nói. Còn “tình hình cụ thể” có thể thấy trong Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của Ủy ban Kinh tế. Báo cáo này dài 45 trang, nêu ra tới 29 vấn đề cần tiếp tục thảo luận, làm rõ. Trong đó có những vấn đề được cho là cốt lõi của chính sách đất đai, ví dụ như quy định về thu hồi đất.

Hiện tại, dự thảo luật quy định theo hướng liệt kê hàng trăm trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (điều 79) với mục đích là đảm bảo sự rõ ràng, dễ theo dõi, dễ áp dụng. Suốt quá trình góp ý vào dự thảo luật, nhiều ý kiến cho rằng liệt kê quá cụ thể, chi tiết các trường hợp thu hồi thì sẽ khó bao quát, đầy đủ.

“Có khi càng liệt kê càng thiếu, rất chi tiết nhưng vẫn thiếu”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói trong phiên họp gần đây nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thay vì tiếp cận theo hướng “chọn cho” như vậy, Chủ tịch Quốc hội gợi ý tiếp cận theo hướng “chọn bỏ”. Theo đó, dự thảo luật có thể quy định những trường hợp áp dụng hình thức thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, trừ những trường hợp đó thì còn lại là Nhà nước thu hồi. Đồng thời quy định thêm nguyên tắc: thu hồi đất là phải trong quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt, và có thể đưa ra những trường hợp nghiêm cấm – ví dụ hành vi vừa điều chỉnh quy hoạch, vừa ra quyết định thu hồi đất.

“Trong công tác cán bộ cũng phải quy hoạch một thời gian mới xem xét bổ nhiệm, đất đai cũng phải thu hồi trong quy hoạch. Tránh trường hợp không có trong quy hoạch nhưng lại muốn điều chỉnh quy hoạch, chạy quy hoạch; chạy quy hoạch xong thì quyết định thu hồi luôn. Quy hoạch, kế hoạch là để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, vì lợi ích công cộng, còn có gì khác đâu”, ông Huệ phân tích.

Liên quan dự án nhà ở thương mại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị khoanh định các trường hợp dự án nhà ở thương mại, công trình thương mại, công trình dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng (trừ công viên, vườn hoa, bãi tắm và các khu vực dành cho vui chơi giải trí công cộng khác không thu phí của người dân) thuộc diện thu hồi là dự án trọng điểm do hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế không tán thành vì cho rằng, đề xuất này chưa làm rõ được tính chất “để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” của việc thu hồi đất thực hiện các dự án này; chưa bảo đảm rõ ràng về tiêu chí, điều kiện thu hồi đất theo yêu cầu trong kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9-2022. Pháp luật hiện hành về đầu tư cũng chưa có quy định xác định về tiêu chí dự án trọng điểm thuộc thẩm quyền hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Tương tự, nhiều vấn đề quan trọng khác như nguyên tắc và phương pháp xác định giá đất, cách xác định bảng giá đất; cơ chế xử lý trường hợp nhà đầu tư không thỏa thuận được 100% diện tích thực hiện dự án; giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất; cơ chế vận hành của quỹ phát triển đất… đến giờ phút này vẫn mơ hồ, thiếu tính thống nhất và khó khả thi.

Theo kế hoạch ban đầu, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ cho ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong ngày họp đầu tiên, ngày 28-9. Tuy nhiên, vì các cơ quan liên quan chưa kịp tiếp thu và chỉnh lý sau phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên thời gian thảo luận dời lại vào sáng 30-9. Cập nhật đến chiều ngày 29-8, các đại biểu Quốc hội chuyên trách vẫn chưa nhận được dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bản mới nhất cũng như báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Kinh tế. Như vậy, rất khó cho các đại biểu nghiên cứu, đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo luật với chất lượng cao nhất.

Sửa Luật Đất đai là việc khó và có ý nghĩa lớn với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn tới! Nói như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, “kiến tạo và phát triển là cũng từ luật quan trọng, đặc biệt này! Luật này mà không xử lý được thì sẽ còn tiếp tục cản trở nhiều việc phát triển của chúng ta”. Vì thế, trong thời gian còn lại, nếu các chính sách quan trọng không được giải quyết thấu đáo, phương án lùi thời điểm thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần được cân nhắc để đảm bảo dự thảo luật khi được ban hành sẽ thực sự mở đường cho sự phát triển.

Tin bài viêt liên quan

06/06/2022

Giải mã bức tranh thị trường bất động sản và khơi nguồn cảm hứng cho chu kỳ mới

10/11/2024 NDO – Diễn đàn bất động sản quốc gia năm 2024 với thông điệp “Vững tâm vào chu kỳ mới” diễn ra tại thành phố Đà Nẵng ngày 9/11. Sự kiện do Viện Nghiên cứu và Đào tạo bất động sản phối hợp Hội đồng Bất động sản Việt Nam (VREC) trực thuộc Viện Nghiên […]

06/06/2022

Chu kỳ bất động sản mới: Thị trường ổn định, tính thanh khoản cao

Theo các chuyên gia, trong chu kỳ mới, nguồn cung được cải thiện, giá bất động sản sẽ không còn tăng đột ngột, tính thanh khoản cao sẽ tạo nên một thị trường minh bạch, chất lượng. Chất lượng thị trường tốt hơn Theo TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động […]

06/06/2022

Bất động sản le lói những tia hy vọng mới

Thị trường bất động sản chứng kiến làn sóng hoạt động mới trong tháng qua, khi hàng loạt dự án lớn được khởi công hoặc tái khởi động sau một thời gian dài im ắng. Sun Group gần đây đã khởi công dự án khu đô thị Sun Urban City tại tỉnh Hà Nam, với […]