Chuyên gia lý giải về sự chuyển dịch của dòng vốn FDI tại Việt Nam
25/08/2023
Các chuyên gia cho rằng, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sẽ chuyển dịch mạnh mẽ vào các ngành công nghệ, sản xuất chip và năng lượng tái tạo trong tương lai. Điều này phù hợp với nhu cầu của các nhà đầu tư đến từ Tây Âu và Hoa Kỳ.
Trao đổi tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam, ông Đỗ Văn Sử, Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT) cho biết, thời gian gần đây, Việt Nam đang đón sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư mới từ khu vực Tây Âu và Bắc Mỹ vào ngành năng lượng tái tạo và sản xuất chip.
“Bên cạnh các đối tác truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc,… dòng vốn đầu tư đang có sự dịch chuyển tương đối của các nhà đầu tư từ khu vực Tây Âu như Đức, Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha vào các ngành năng lượng tái tạo. Cùng với đó cũng có sự xuất hiện ngày càng nhiều các nhà đầu tư đến từ khu vực Bắc Mỹ, đặc biệt là các nhà đầu tư Hoa Kỳ. Mới đây, Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ cùng nhiều doanh nghiệp đã đến Việt Nam tìm hiểu môi trường đầu tư như là một địa điểm dịch chuyển sản xuất chip”, đại diện Cục Đầu tư Nước ngoài thông tin.
Điều này xảy ra không phải không có nguyên do, trong 2 năm vừa qua, kể từ khi Chính phủ Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thì rất nhiều tập đoàn năng lượng quốc tế đã đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo. Đi kèm với các tập đoàn này, là hàng loạt doanh nghiệp cung ứng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo.
Bên cạnh tính hấp dẫn đến từ lĩnh vực năng lượng tái tạo, chiến lược Trung Quốc +1 của nhiều công ty đa quốc gia cũng góp phần không nhỏ vào sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài, khởi nguồn từ các nhà đầu tư Nhật Bản, đến tiếp là Hàn Quốc, sau đó là nhà đầu tư châu Âu và Hoa Kỳ.
“Nhiều nhà đầu tư đã định hình lại dòng vốn để tận dụng cơ hội và tái cơ cấu lại chuỗi cung ứng, trong đó Đông Nam Á nổi lên như một bệ đỡ chuỗi cung ứng mới. Trong đó, Việt Nam được quan tâm nhất”, ông Đỗ Văn Sử nói.
Trước thông tin trên, ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C dự đoán sẽ có làn sóng đầu tư lớn vào lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam.
“Tôi dự đoán trong vòng 5 năm tới, có thể sẽ thiếu điện sản xuất khi càng ngày càng có nhiều nhà đầu tư lĩnh vực công nghiệp tìm đến Việt Nam. Việt Nam cần xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng ngay từ hôm nay. Tôi kỳ vọng sẽ có làn sóng đầu tư lớn vào Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, bởi nhiều nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến sử dụng năng lượng tái tạo để bảo vệ môi trường và Việt Nam có dư địa rất lớn để thực hiện điều đó”, ông Bruno nhấn mạnh.
Đồng quan điểm trên, ông Đào Xuân Đức, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp KCN TP.HCM (HBA) chia sẻ, vấn đề hiện tại được rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm khi đầu tư vào KCN ở TP.HCM là năng lượng tái tạo.
“Khi triển khai điện mặt trời ở các nhà xưởng, doanh nghiệp tiết kiệm được ít nhất 30% chi phí tiền điện mỗi tháng. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta mới chỉ phát triển điện mặt trời ở nhà dân, cơ quan. Trong khi ở các nhà xưởng khu công nghiệp lại không có. Một trong những tiêu chí hiện nay của nhiều nhà đầu tư nước ngoài tại các KCN ở TP.HCM là môi trường phải xanh, sạch, chú trọng năng lượng sạch, tái tạo. Có nhiều tập đoàn lớn tuyên bố với tôi rằng đến năm 2030 những nhà máy của họ sẽ hướng tới không sử dụng điện của EVN mà sử dụng năng lượng tái tạo. Đó là một cam kết toàn cầu”, ông Đức cho biết.
KCN Việt Nam ngày càng “hút khách”
Ông Bruno Jaspaert cho rằng, lợi thế lớn nhất của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào các KCN giai đoạn hiện nay là nhờ tham gia vào các hiệp định thương mại (FTA).
“Về động lực, Việt Nam đang là quốc gia cởi mở nhất khu vực Đông Nam Á nhờ vào các FTA. Việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại quốc tế (CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA…) tiếp tục mang lại lợi ích thương mại đáng kể và gia tăng quy mô thị trường cho các nhà đầu tư. Thứ hai, đó là giá thuê đất ở Việt Nam vẫn ở mức thấp hơn so với các nước trong ASEAN. Đồng thời xu hướng Trung Quốc +1 trở thành kênh quan trọng đối với Việt Nam, góp phần thu hút khoảng 10% doanh nghiệp sản xuất chuyển ra nước ngoài”, người đứng đầu DEEP C khẳng định.
Cùng với đó, với việc chi tiêu lớn cho cơ sở hạ tầng, phát triển khu công nghiệp sẽ là một trong những ngành hưởng lợi lớn nhất.
“Nhu cầu về bất động sản công nghiệp xanh và phát triển bền vững từ nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được dự đoán sẽ ngày càng tăng. Các nhà đầu tư thứ cấp ngày càng quan tâm đến phát triển bền vững và sử dụng năng lượng tái tạo do áp dụng thuế carbon”, ông Bruno đúc kết.
Đồng tình với chia sẻ trên, ông Đỗ Văn Sử thông tin thêm, về xu hướng đầu tư, hơn 60% dòng vốn đầu tư “chảy” vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo từ trước đến nay, bản thân ngành này thường hút vốn vào các địa điểm tập trung như khu công nghiệp có sẵn hạ tầng, môi trường xanh, sạch, có khả năng cung cấp năng lượng, xử lý nước thải ổn định, đảm bảo tiện ích…
Theo ông Sử, từ 2013 tới nay, bất động sản KCN Việt Nam “nóng” cũng một phần do Luật đất đai.
“Các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam chỉ được thuê đất của nhà nước hoặc thuê hạ tầng KCN. Rất nhiều dự án công nghiệp không thuộc diện thu hồi đất để cho nhà đầu tư nước ngoài thuê, trong khi các nhà đầu tư ngoại không có quyền đi bồi thường giải phóng mặt bằng trực tiếp với người dân. Do đó, làn sóng đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo chỉ có một hướng duy nhất, là đầu tư vào các KCN có sẵn hạ tầng. Còn các dự án chế biến chế tạo ngoài khu này chỉ thông qua một hướng duy nhất đó là góp vốn mua cổ phần của các dự án đã có nhà xưởng sẵn. Nhưng số lượng thì cũng không nhiều”, ông Sử nói.